Cuộc đời Đặng_Thị_Nhu

Đặng Thị Nhu sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Phú Khê, huyện Yên Thế. Sớm mồ côi mẹ, bà sống với cha, là một thầy mo ở làng. Lúc nhỏ, bà được học chữ Nho và học nghề của cha.[1].

Lấy chồng

Theo Nguyễn Văn Kiệm, vì Đặng Thị Nhu có nhan sắc nên bị một nhà giàu ép buộc làm vợ. Bất mãn, bà lấy Đề Thám và công khai chống lại bọn cường quyền[1].

Trong một bài viết, Thái Gia Thư đã kể cuộc tình duyên đó như sau: Một buổi chiều nọ, khi đi đến làng Vạn Vân lánh nạn, Đề Thám bỗng gặp một cô gái xinh đẹp; và ông đã nói dối với cô rằng, ông là người đi buôn, bị kẻ cướp lấy hết vốn liếng. Sẵn lòng thương người, cô gái đưa khách về nhà gặp cha. Ở đây, bất ngờ Đề Thám gặp Thông Luận, là một cộng sự của mình. Thông Luận lại là con nuôi của cha cô gái. Nhờ mối quan hệ này, mà gia đình cô gái trở thành cơ sở của nghĩa quân và cô cũng trở thành người giúp việc đắc lực cho Đề Thám. Tâm đồng ý hợp, nên chẳng bao lâu sau, Đề Thám cưới cô gái làm vợ thứ ba. Cô gái đó chính là Đặng Thị Nhu[2].

Cùng chồng kháng Pháp

Là vợ và là cộng sự, bà Ba Cẩn đã sát cánh cùng chồng bàn định nhiều kế hoạch cho công cuộc kháng chiến lâu dài và gian khó. Theo Nguyễn Văn Kiệm, thì bà cùng với Cả Rinh (hay Dinh, Kinh), Cả Huỳnh và Cả Trọng[3], hợp thành ban tham mưu đắc lực, đồng thời cũng là những người chỉ huy giỏi. Ngoài vai trò ấy, bà Ba còn lo việc hậu cần, đảm bảo sinh hoạt, mua sắm đạn dược cho nghĩa quân. Khi có chiến trận, bà ở bên Đề Thám cùng chiến đấu...Vào vụ gặt, bà Ba thường ra chợ Nhã Nam thuê thợ công nhật. Đối với họ, bà trả tiền công theo thời giá, có khi còn hậu hơn một chút[1]. Theo sử Việt, vào năm 1907, Đề Thám cùng bà đã tổ chức ra đảng Nghĩa Hưng, Trung Chân ứng nghĩa đạo ở Hà Nội; và đề ra kế hoạch đầu độc lính Pháp (sử gọi là vụ Hà Thành đầu độc) ngày 27 tháng 6 năm 1908 tại nơi đó. Tuy việc không thành, nhưng cũng đã làm quân Pháp rất hoang mang, lo sợ[4].

Bị bắt & tuẫn tiết

Năm 1909, sau gần một tháng trời lăn lộn vào ra sinh tử ở Vĩnh Yên, Đề Thám mới thoát khỏi vòng vây trở về Yên Thế vào tháng 11, thì lại bị quân Pháp kéo theo bao vây lần nữa. Đề Thám, bà Ba Cẩn cùng nghĩa quân ở đồn Phồn Xương đã đánh trả kịch liệt... Sáng 1 tháng 12 năm 1909, thì bà Ba Cẩn và con gái tên Hoàng Thị Thế (1903, có tài liệu ghi 1901-1988) bị đối phương bắt được[5]. Nhắc lại những ngày chiến đấu cuối cùng của bà, Phạm Văn Sơn kể như sau: Ngày 17 tháng 11 năm 1909, Hoàng Hoa Thám cùng tàn quân về đến Yên Thế, thì quân của Tiểu đoàn trưởng Bonifacy cũng kéo đến bao vây Nhã Nam. Quân Pháp cùng các cộng sự người Việt tăng cường khủng bố, làm cho sự tiếp tế bị tê liệt...Ngày 1 tháng 12 cùng năm, thì bà Ba Cẩn bị trung đội Coucron đi tuần bắt được gần đồn chợ Gồ (Yên Thế). Hôm sau, ông Thám dẫn 5 nghĩa quân đi cứu bà, thì lọt vào ổ phục kích lúc 1 giờ 30 khuya. Một nghĩa quân hy sinh, nhưng ông Hoàng chạy thoát được[6].

Ngày 24 tháng 2 năm 1910, 78 nghĩa quân, trong đó có bà Ba Cẩn bị đối phương mang hết về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị án đày sang Guyane (Nam Mỹ). Dọc đường, thừa lúc quân canh sơ ý, bà nhảy xuống biển tự tử ngày 25 tháng 12 năm 1910.